Bạn biết gì về “bộ ba nhàm chán”
Ở nước mình, phần lớn chúng ta đều học môn tiếng Anh từ năm lớp 6 và tiếp tục học nó cho đến hết đại học, tính đơn giản ra đã là 10 năm.
Tuy nhiên tôi biết rất nhiều bạn không thể đạt được dù một chút lưu loát nào sau … cả một thập kỉ vật lộn với thứ tiếng đó. Trong khi đáng ra, chỉ cần mất 1 đến 2 năm là giao tiếp tiếng anh khá trôi chảy về các chủ đề thông dụng bằng tiếng nước ngoài nếu có phương pháp học tốt.
Anh bạn Tây của tôi sang Việt Nam lần đầu, gặp một bạn trẻ, trong suốt cuộc gặp chỉ biết lắng nghe và mỉm cười. Anh ấy trố mắt khi tôi nói rằng bạn ấy đã học tiếng Anh 10 năm. Có lẽ việc đó đã quá phổ biến với chúng ta đến nỗi chẳng còn ai lấy làm điều ngạc nhiên hay phàn nàn nữa.
Cứ coi sự học là một sự đầu tư. Bạn thử tính xem, bạn đã mất bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức vào môn học này, nhân lên với khoảng hơn 20 triệu học sinh khác cũng như bạn, và sau cả quá trình đó, bạn không nhận lại được gì nhiều nhặn. Bạn có thể tưởng tượng tổng mức lãng phí nguồn lực của chúng ta rồi chứ?
Nếu bản thân bạn thất bại trong việc học ngoại ngữ (tin tôi đi, có rất nhiều người giống bạn), có thể ba mẹ, thầy cô sẽ cho rằng bạn đã không cố gắng đúng mức hoặc đơn giản bạn sẽ buồn rầu tự nhủ mình không có “năng khiếu”.
Tất nhiên trong cùng một lớp học (tôi đang muốn nói đến cùng một phương pháp giảng dạy và học tập), sẽ có bạn lười, bạn chăm, sẽ có bạn tỏ ra tiếp thu tốt hơn các bạn khác. Nhưng đó gần như chỉ là “triệu chứng” – cái bạn thấy bề ngoài thôi, cốt lõi của vấn đề là thứ mà không phải ai cũng thấy được, tôi đang muốn nói đến “Bộ ba nhàm chán”.
Xem thêm: học tiếng anh chuyên ngành kế toán
“Bộ ba nhàm chán” là câu trả lời chính xác cho câu hỏi đầu tiên tôi nêu trên tiêu đề. Bạn có thể là một trong những nạn nhân của chúng. Bộ ba này cụ thể là Phương Pháp Nhàm Chán, Tài Nguyên Nhàm Chán và Thái Độ Nhàm Chán.
Phương pháp nhàm chán
Việc nhận biết bạn đang có hay không theo đuổi một Phương Pháp Nhàm Chán thực ra rất đơn giản. Phương Pháp Nhàm Chán tập trung vào 3 điều dưới đây:
1. Từ ngữ – Ngữ pháp
Theo phương pháp này, bạn cần cố gắng hết sức để ghi nhớ cả một danh sách từ mới hay các quy luật ngữ pháp xa lạ và đôi khi trái ngược hẳn với ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn.
Ví dụ:
Tiếng Việt: một bông hoa đỏ.
Tiếng Anh: một bông đỏ hoa (a red flower)
Tiếng Việt: chồng của chị gái tôi.
Tiếng Anh: chị gái tôi “sờ” chồng (my sister’s husband)
… Just kidding
Theo phương pháp này, quá trình giao tiếp của bạn với người nói tiếng Anh sẽ diễn ra như sau:
Thông thường, bạn sẽ lắp bắp, ề à, ậm ừ … trong suốt quá trình từ bước 1 đến bước 5, và để nghe được câu trả lời của bạn, có lẽ người ta đã phát sốt ruột lên rồi.
Phương pháp này trước kia được tạo ra để học các “ngôn ngữ chết” như tiếng Latin, nhưng thật không may các giáo viên của bạn đang dùng nó để dạy một “ngôn ngữ sống”.
Bạn nên hiểu rằng học ngôn ngữ là học Kỹ Năng chứ không chỉ là học Kiến Thức.
Tôi thấy học tiếng Anh giống với học bơi, học lái xe, học nhạc (các môn kỹ năng) hơn là học Toán, học Địa Lý hay Lịch sử (các môn kiến thức).
Việc bạn biết nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong 4 kỳ như thế nào không đảm bảo việc bạn CÓ THỂ lái một chiếc mô tô 100 phân phối. Bạn cũng không thể học bơi bằng cách ngồi nghiên cứu nguyên lý thủy động lực học. Bạn cứ cầm tay lái hay nhảy xuống bể.
Có thể bạn sẽ sặc nước và sẽ ngã, nhưng rồi bản năng học hỏi sẽ mách bảo bạn, cơ thể vào não bộ sẽ tự nó rút ra các kinh nghiệm và … Kĩ Năng sẽ tự nhiên đến với bạn dần dần khi mà chính bạn cũng không ý thức được điều đó.
2. Học vẹt
Có lẽ nên gọi phương pháp này là học vẹt.
Cố gắng học một từ mới bằng cách viết nó ra một trăm lần không những nhàm chán mà còn vô tác dụng.
Có thể nó giúp bạn nhớ từ cho bài kiểm tra ngày mai, nhưng nó không làm bạn nhớ một từ mãi mãi. Nếu có tác dụng đi chăng nữa, thì học thuộc lòng chỉ có thể áp dụng với những thông tin rõ ràng, nó không giúp ta hiểu ngụ ý và những thông tin ẩn giấu trong một thông điệp – điều không thể thiếu trong việc hiểu và nói một ngôn ngữ.
Nhìn chung “bộ đôi nhàm chám” trên chỉ giúp bạn ghi nhớ những từ vựng đơn lẻ không cần ngữ cảnh nhưng chúng sẽ chẳng giúp bạn nhiều trong các tình huống thực tế mà bạn sẽ gặp phải.
Một điều thú vị khác là hàng nghìn năm nay, loài người chúng ta đều lĩnh hội ngôn ngữ mà không cần đến sách giáo khoa hay giáo viên dạy ngữ pháp.
Lý do là khả năng tiếp nhận một ngôn ngữ đã được mã hóa trong gen của chúng ta. Vì vậy, chỉ cần cố gắng hết sức bằng việc đầu tư đủ thời gian để tiếp xúc và thực hành, bạn sẽ lĩnh hội ngoại ngữ một cách tự nhiên và không hề vất vả.
Có bạn sẽ bảo: Trẻ con học ngoại ngữ dễ hơn người lớn. Nhưng tôi lại muốn nói với bạn điều ngược lại. Người lớn có rất nhiều thứ mà trẻ con không thể có. Và ít ra, so với trẻ con, họ cũng có thể học nhanh hơn nếu không muốn nói là học tốt hơn.
Trẻ con học ngoại ngữ trong vô thức. Nó không tự lựa chọn được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trái lại, người lớn có quyền lựa chọn, có phương pháp học cụ thể, có nhiều thời gian để tích lũy vốn từ vựng ngoại ngữ quý báu.
Đối với người lớn, học ngoại ngữ thường là lựa chọn xuất từ niềm đam mê hoặc là mục tiêu trong cuộc sống, và một khi đã như vậy, họ sẽ có nhiều động lực hơn để chinh phục thử thách này.
3. Chấm điểm theo barem
Hãy nhớ lại những bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết lấy hệ số 2, kiểm tra học kỳ… đã làm bạn lo sợ như thế nào. Đó là cách nhà trường phán xét năng lực ngoại ngữ của học sinh sinh viên chúng ta.
Tôi phải nói rằng bảng điểm sẽ đánh giá kiến thức nhiều hơn là khả năng nói một thứ tiếng của bạn. Bạn thấy đấy, đề bài kiểm tra thường thiên về ngôn ngữ học thuật và các trường hợp bất quy tắc hơn là ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày – cái đích thực sự mà hầu hết chúng ta hướng đến.
Hãy học ngoại ngữ bằng đam mê và đầu tư thời gian hợp lý cho việc thực hành toàn diện các kỹ năng, lúc đó những bài kiểm tra sẽ không còn là nỗi ám ảnh của bạn nữa và việc học ngoại ngữ sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều!
Lời khuyên của tôi?
Coi trọng những kỹ năng, kiến thức bạn học được sau mỗi bài kiểm tra. Đừng nản lòng với những con điểm kém. Cũng đừng ngủ quên trong những con điểm 9 hay 10 nhé!
Tài nguyên nhàm chán
1. Đừng quên rằng bạn đang sống trong thời đại số
Nếu bạn muốn biết tủ sách ngoại ngữ của tôi trông như thế nào, thì đại khái nó như thế này: Tầng trên cùng là rất nhiều từ điển, sách giáo khoa, sách ngữ pháp hàn lâm chi chít chữ (khá đắt tiền), tài liệu được phát trước mỗi khóa học ở trung tâm, giấy photo bài tập về nhà đủ thể loại… Một chồng giấy vở khá là lổn nhổn và phủ đầy bụi bặm. Đơn giản là tôi ít khi giở chúng ra từ sau khi kết thúc mỗi một học phần.
Tất nhiên là phần tài nguyên ngoại ngữ quý giá của tôi không nằm dưới lớp bụi đó. Tất cả nằm trong chiếc máy tính được nối mạng với loa và micro luôn luôn sẵn sàng – vật bất ly thân của tôi.
Rõ ràng, bạn đang đọc những dòng này từ một chiếc máy tính nối mạng. Chỉ cần có vậy, tôi khẳng định bạn có thể tiếp cận vô số tài liệu online thú vị. Bạn sẽ được:
- học sách in màu (thay vì sách lậu đen trắng),
- nghe audio giọng chuẩn (thay vì tra kí tự phiên âm trong từ điển),
- xem tranh ảnh và video (thay vì tưởng tượng),
- tra từ chỉ mất vài giây (thay vì nhẩm lại bảng chữ cái để tìm ra một mục từ được in bé xíu trong cuốn từ điển dày cộp)
- thậm chí, nói chuyện với một người bạn Tây xa lạ…
2. Đừng đọc tạp chí Địa lý nếu bạn là tín đồ Thể thao
Để có thể yêu thích học ngoại ngữ, không có cách nào tốt hơn việc lựa chọn những tài liệu phù hợp với mục tiêu, sở thích, mong muốn của chính bạn.
Đây cũng là một trong những nhược điểm lớn nhất của việc học ngoại ngữ truyền thống ở trường lớp – nơi giáo viên thường là người chọn chủ đề học tập và bạn là người thụ động tiếp nhận.
Tại sao bạn không lựa chọn cho mình những bài học mà bạn quan tâm bằng việc bạn click vào bất cứ một chủ đề nào mà bạn yêu thích trên các trang web. Hiện nay, với giao diện đẹp và tiện lợi của vô số trang web học tiếng anh, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn chủ đề phù hợp với sở thích của mình.
Thái độ chán chường
Bạn có tưởng tưởng được không khi mà 1 nhân tố trong bộ ba nhàm chán lại nằm trong chính bạn? Nếu không bỏ ngay khỏi đầu những suy nghĩ sau đây thì dù phương pháp hay tài liệu học của bạn có tốt đến đâu, những gì bạn đạt được vẫn chỉ là con số không mà thôi.
1. Tôi không thể học được ngoại ngữ, nó quá khó!
Sự thật là tiếng nước ngoài không “khó”, nó chỉ “khác” mà thôi, khác với tiếng mẹ đẻ mà bạn đã được học từ hồi chưa mọc răng.
Bạn không học một ngôn ngữ mà bạn đang làm quen với nó. (You don’t learn a language, you get used of it) – Học giả người Nhật Khatzumoto
Khi bạn càng dành nhiều thời gian cho một thứ tiếng, nó càng dần trở nên quen thuộc với bạn. Điều này không phải là lý thuyết suông. Hãy niệm câu thần chú “Yes, I can!” Hãy làm cho tiếng Anh hiện diện trong cuộc sống của bạn hàng ngày, và một ngày không xa, bạn sẽ nói tiếng Anh như tiếng Việt!
2. Tôi hay nói sai lắm!
Chắc bạn biết thừa cảnh cô giáo hỏi một câu sau đó cả lớp im phăng phắc. Hoặc cảnh người ta trò chuyện vui vẻ và mình câm như hến (như cô bạn tôi ở đầu câu chuyện).
Rất nhiều bạn chưa bỏ được tâm lý sợ sai và “giấu dốt”. Nói chung việc “ngậm miệng lại” không tốt chút nào cho một người muốn giao tiếp giỏi.
Người ta sẽ thấy tội nghiệp bạn khi bạn cứ im lìm trầm lặng hơn là sẽ cười chê bạn khi bạn chẳng may chia sai động từ trong một câu nói. Ngay cả những người giỏi nhất cũng mắc lỗi. Ngay cả khi nói tiếng Việt, bạn cũng vẫn mắc lỗi.
Lời khuyên của tôi?
Hãy tự tin và có thái độ học tích cực thay vì e ngại về khả năng của mình. Thành công sẽ mỉm cười với những ai quả quyết và nỗ lực.
In language learning it’s attitude not aptitude, that determines success. (Đối với việc học ngoại ngữ, yếu tố quyết định thành công là thái độ chứ không phải năng khiếu) – Steve Kaufman
3. Tôi có quá nhiều việc để làm thì lấy đâu ra thời gian học tiếng Anh!
Tôi không phủ nhận là các bạn bận rộn với vô vàn những công việc hàng ngày. Nhưng nếu bạn đã thực sự muốn làm một việc gì đó, tôi tin rằng bạn có thể sắp xếp thời gian để theo đuổi nó đến cùng. Còn nếu thực sự bận rộn, điều quan trọng bạn cần làm là biết ưu tiên những công việc quan trọng trước để phân bổ thời gian hợp lý.
Nếu bạn chưa thành công trong việc học ngoại ngữ, đó là do bạn chưa có thái độ, phương pháp hay tài liệu học phù hợp chứ không phải bạn không có năng khiếu. Hãy biết quản lý công việc và cuộc sống của bạn một cách hợp lý để dành đủ thời gian cho việc thực hành ngoại ngữ bạn nhé!
And … Yes, you can!
Làm gì ngay hôm nay?
Nếu bạn đã dành thời gian đọc đến đây, tôi tin rằng bạn thật sự nghiêm túc với việc học tiếng Anh.
Nhưng tôi e là đọc xong bài viết bên trên cũng chẳng giúp ích gì nếu bạn không làm gì đó để thay đổi.
Đây là những điều bạn cần ghi nhớ và thay đổi ngay để cải thiện trình độ tiếng Anh của mình:
- Tiếng Anh là kỹ năng, không phải kiến thức. Kiến thức có thể học. Nhưng kỹ năng thì phải làm. Để có kỹ năng, hãy sử dụng tiếng Anh thường xuyên.
- Đừng học vẹt từ vựng và công thức ngữ pháp. Hãy học cách dùng. Khi đã biết cách dùng, hãy thường xuyên sử dụng chúng.
- Điểm kiểm tra không phải là tiêu chí đánh giá. Hãy đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của bạn (Bạn có xài được tiếng Anh để làm những việc bạn muốn không?)
- Chủ động tìm kiếm các tài liệu học tập thiết thực, thú vị trên Internet.
- Chọn chủ đề học tập phù hợp với mục đích sử dụng, sở thích của mình.
- Duy trì thái độ học tập tích cực, chủ động.
- Không sợ sai!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét