Việc học nói chung và học tiếng anh giao tiếp nói riêng đều cần phải có động lực thì bạn mới có thể học lâu dài được. Dưới đây là một số cách học tiếng anh giao tiếp sẽ giúp bạn có hứng thú học lâu dài hơn.
1. Chọn cách học mà bạn cảm thấy hứng thú nhất:
Có rất nhiều cách giúp bạn học tiếng anh giao tiếp hiệu quả, ví dụ như xem phim, nghe nhạc hay bắt đầu từ việc học từ vựng có kèm hình ảnh, phiên âm.
Hãy chọn phương pháp mà bạn thấy mình tiếp nhận thông tin dễ dàng và hiệu quả nhất. Ví dụ bạn cảm thấy học dễ hơn qua thị giác, thì khi học từ vựng, cố gắng hình tượng hóa từ vựng đó, có thể tự vẽ hoặc sử dụng chính đồ vật đời thực, hay viết từ vựng đó nhiều lần để nhớ mặt chữ.
Nếu bạn học dễ dàng hơn với các cử chỉ, hành động của bản thân, có thể tận dụng trò chơi điện tử để hiểu và ghi nhớ dần nghĩa cũng như mặt chữ của từ trong những lời hướng dẫn hay những phím lệnh.
Một phương án khác đó là học tiếng anh qua bài hát. Sẽ tốt hơn nếu vận dụng những bài hát bạn thường nghe, vì nó sẽ quen thuộc và dễ ngấm hơn. Hoặc bạn có thể tham khảo một số bài hát dễ nghe giúp bạn học tiếng anh giao tiếp hiện nay.
Một cách tương tự nữa đó là xem các bộ phim tiếng anh có chủ đề mà bạn yêu thích hay các chương trình truyền hình, những series phim Âu – Mỹ dài tập. Thông qua các chương trình này, bạn có thể hiểu và nắm rõ hơn cách sử dụng từ, cụm từ hay mẫu câu của người bản ngữ, cũng như có thể giúp bạn mở rộng vốn từ của bản thân mình.
2. Chat với bạn của bạn bằng tiếng anh:
Việc này sẽ giúp bạn vận dụng được những gì đã học hay đã góp nhặt được từ các nguồn khác. Trong các cuộc tán gẫu hàng ngày, cố gắng sử dụng những gì bạn mới học được để áp dụng dần và liên tục. Như thế sẽ giúp bạn nhớ dễ và lâu hơn kiến thức đó.
3. Nếu bạn đã có thói quen viết nhật kí thì đây cũng là một động lực không ngờ cho việc học tiếng anh đó.
Thay vì viết bằng tiếng việt, cố gắng viết bằng tiếng anh, nhất là sử dụng những từ vựng hay ngữ pháp mới bạn vừa biết được. “Học đi đôi với hành” mà, phải không? Chỉ đơn giản việc thuật lại những chuyện xảy ra trong ngày, hay những suy nghĩ cảm nhận của bản thân thôi đã giúp bạn đáng kể trong việc liên kết những kiến thức tiếng anh của mình. Từ đó, bạn có thể hệ thống lại thành tất tần tật những gì bạn đã và mới biết rồi.
Vừa viết vừa kiểm tra, mới bắt đầu bạn sẽ mất nhiều thời gian để mày mò xem câu này diễn đạt bằng tiếng anh như thế nào, từ này dịch sang tiếng anh là gì, nhưng cứ từ từ, chậm cũng không sao, chỉ cần kiên trì và nhẫn nại thôi.
Và nhớ nhé, cho dù bạn vừa viết vừa kiểm tra, thì sau khi viết xong vẫn cần kiểm tra lại lần nữa, biết đâu lại viết sai chính tả thì sao. Đó cũng là một cách nhớ lỗi để tránh không lặp lại nữa đó.
4. Nói mọi lúc, mọi nơi:
Nếu bạn không có thói quen viết nhật kí và không cảm thấy đó là động lực cho bạn thì cũng không sao. Ngoài việc sử dụng tai để nghe nhạc, mắt để xem phim cùng phụ đề tiếng anh hay tay để viết lên suy nghĩ của mình, bạn còn một phương án nữa có thể sử dụng để biến thành động lực cho mình. Đó là Nói.
Cố gắng nói tiếng anh mọi lúc, mọi nơi. Kể cả đối với người đã học tiếng anh từ trước bạn rất lâu, việc luyện nói thường xuyên vẫn rất quan trọng. Vì vậy đừng ngại hay đừng sợ việc nói sai hay ngắc ngứ. Nhớ rằng bạn đang học mà, nên việc nói sai hay ngập ngừng chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Hãy cố gắng chém tiếng anh ở bất cứ đâu, đừng chỉ giới hạn trong nhà và trước gương.
Nếu có thể, hãy tụ tập một nhóm bạn để cùng trao đổi, đàm thoại bằng tiếng anh về một chủ đề nào đó cũng là một phương pháp hữu ích để tiến dần đến việc nói tiếng anh lưu loát hơn. Có bạn cùng học cũng là một trong những động lực giúp bạn học tiếng anh dễ dàng hơn. Bạn có thể tham gia các câu lạc bộ tiếng anh để cùng chém gió với những người khác. Đó cũng là một cách rất hay.
Mong rằng bạn sẽ tìm ra ít nhất một cách phù hợp với bản thân để tạo động lực học tiếng anh giao tiếp cho mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét