BÍ KÍP HỌC TIẾNG ANH LÀ GÌ?
1. Loại bỏ sự sợ hãi
Nguyên nhân chính cản trở khiến các bạn khó có thể giỏi tiếng Anh là do sự sợ hãi. Với tâm lý mất gốc Tiếng Anh, sợ không có từ vựng, sợ phát âm sai, sợ đủ thứ và rồi không dám mạnh dạn làm gì cả. Trầm trọng hơn, có những bạn có suy nghĩ rất tiêu cực kiểu như: “mất gốc Tiếng Anh thì sao học lại được”, hoặc “mình dốt bẩm sinh”, “mình không có năng khiếu”. Chính nỗi sợ hãi, đã gây ra kết cục là sau khi học xong Đại học, tiếng Anh của các bạn vẫn dậm chân tại chỗ. Vậy điều đầu tiên các bạn dân khối A cần làm, đó là hãy có niềm tin rằng có ngày mình giỏi Tiếng Anh, và Tiếng Anh không phải là cái gì để mình sợ hãi cả.
2. Kiên trì - yếu tố tiên quyết
Có nhiều bạn rất nôn nóng khi học, muốn thành thạo tiếng Anh sau vài tuần, vài tháng, một số khác thì muốn giao tiếp như người bản xứ, nhưng không chịu đầu tư thời gian để luyện tập thực hành, hay thậm chí đang học thì bỏ ngang không theo nữa . Bạn có thể Facebook hàng giờ, hẹn hò tụ tập bạn bè liên tục, trong khi không thể dành thời gian cho Tiếng Anh - thứ quan trọng hàng đầu quyết định những cơ hội và sự nghiệp của bạn?
Tiếng Anh không phải thứ quá khó cần nhiều đến trí não, mà chỉ cần kiên trì mỗi ngày thì chắc chắn tiến bộ. Mình không phải người tiếp thu tiếng Anh nhanh, nhưng sau khi đỗ ĐH, mình ý thức nó quan trọng thế nào và mình đã đầu tư nghiêm túc.
Tự tạo môi trường tiếng Anh, dành toàn bộ thời gian liên tục nghe VOA Special English, rồi tăng dần lên Ted Talks, CNN Student News, xong bắt đầu xem đi xem lại mấy show truyền hình của Mỹ. Mình đã xem hàng chục lần mấy phim Mỹ kinh điển, như series phim “Friends” với “How I met your mother”. Không chỉ riêng Tiếng Anh, mà muốn giỏi bất cứ điều gì cũng vậy, cần sự kiên trì trong một thời gian liên lục.
Nhiều bạn lại nói: Em nỗ lực rồi, em chăm rồi, ngày nào em cũng học tiếng Anh nhưng sao em không giỏi?
Đơn giản là do bạn đã học không đúng phương pháp.
HỌC ĐÚNG PHƯƠNG PHÁP
Rất nhiều bạn, dù đổ rất nhiều tiền và công sức vào Tiếng Anh, nhưng do sai phương pháp, nên mãi chẳng thể tiến bộ. Dưới đây là phân tích những cách học sai của nhiều người:
- Từ vựng: lỗi sai là học không đều, học xong không ôn lại, không áp dụng phương pháp học bằng hình ảnh, không học cụm từ, không đặt câu, không thực hành nói, không thực hành viết. Vài cái không thế là đủ để các bạn dù biết nhiều hay biết ít từ tiếng Anh cũng chỉ gọi là biết mà không mấy khi dùng được.
- Ngữ pháp: Có những bạn, chỉ chăm chú cắm đầu học mỗi ngữ pháp để thi, xong thôi, thế là thành cái máy ngữ pháp, còn tiếng Anh thì cơ bản là con số 0. Có bạn thì nghe nói đâu là không cần học ngữ pháp, kết quả là không thể viết nổi một câu đơn giản đúng ngữ pháp.
Cách đúng là: học và thực hành ngữ pháp, chứ không dừng lại ở quy tắc. Bạn nên học theo các mẩu chuyện nhỏ, mỗi mẩu chuyện chứa một cấu trúc ngữ pháp nổi bật nhất định, đọc đi đọc lại lại câu chuyện đến khi ngấm ngữ pháp thì thôi. Ví dụ, câu chuyện Fishing in the rain kể toàn bộ ở thì quá khứ tiếp diễn, bạn đọc đi đọc lại để hiểu câu chuyện, bối cảnh và cách dùng của thì đó, thay vì học quy tắc: was/were +V-ing và chỉ dừng lại ở cấu trúc đó. Hoặc là, bạn có thể đọc sách ngữ pháp nhưng nhớ phải làm nhiều bài tập. Hãy tập cách viết câu ra và đọc to lên.
- Phát âm: Theo mình, các bạn nên bắt đầu luyện các nguyên âm và phụ âm cơ bản trong Tiếng Anh, phát âm chuẩn ngay từ đầu sẽ tránh được việc nói sai hoặc nói mà người bản ngữ không hiểu. Hãy chú ý đến các nguyên âm đôi trong Tiếng Anh, vì Tiếng Việt mình không có các nguyên âm đó. Muốn nói tốt, thì trước hết phải nghe tốt. Kênh hiệu quả nhất để học phát âm chính là Youtube - một cái kho hàng ngàn video dạy phát âm để các bạn nghe và tập theo. Nếu không, mình khuyên bạn đăng ký một lớp học phát âm chuyên biệt ở 1 trung tâm tốt. Ví dụ của bản thân mình, là sau khi theo học khóa ngữ âm với giáo viên bản ngữ tại Ngoại ngữ 24h, mình đã có phát âm theo thầy giáo khá chuẩn và ngữ điệu giao tiếp tự nhiên.
- Nghe nói: Đừng đợi đến khi nào nói thật hay mới dám giao tiếp. Lời khuyên của mình là hãy thực hành luôn, làm đều đặn thường xuyên và đừng quá cầu toàn. Hãy nghe hàng ngày những gì mình hiểu được khoảng 80-90% và tập nói ít nhất 15 phút/ngày. Nếu không thể tìm được một người bạn cùng thực hành tiếng Anh thì hãy đến lớp học, hoặc tham gia câu lạc bộ, hoặc tự đứng trước gương nói một mình. Ngày trước mình rất tranh thủ học, mọi lúc mọi nơi, cố dịch mọi thứ bằng tiếng Việt cũng sang tiếng Anh hết, xong rồi đăng ký tham gia đủ mọi hội nhóm giao lưu, bàn về rất nhiều chủ đề, xong về nhà tự nói một mình lại về các chủ đề đó.
Có bạn hỏi: Chị ơi, nhưng nhiều phương pháp, nhiều tài liệu trên mạng quá, em bị rối.
VẬY DÂN KHỐI A MẤT GỐC TIẾNG ANH, PHẢI BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
- Câu trả lời là làm quen lại với tất cả: từ vựng và ngữ pháp, cả nghe nói đọc viết, đừng đợi có nhiều từ vựng mới nghe nói, và đừng chỉ nghe nói thụ động mà không học từ vựng, ngữ pháp,vv.
- Bắt đầu từ phần mình còn yếu: Nếu yếu từ vựng, hãy học từ vựng mọi lúc mọi nơi. Nếu phát âm sai hãy luyện nghe nói theo những video Youtube hoặc đến lớp luyện phát âm. Nếu bạn kém nhất phần nghe, hãy down tài liệu nghe về smartphone và nghe mọi lúc có thể. Nếu bạn đang rất kém nói, hãy đăng ký ngay một lớp giao tiếp và vài nhóm tiếng Anh.
- Bắt đầu từ kiến thức cơ bản: Chọn tài liệu đọc, nghe mà mình hiểu khoảng 80-90%, kết hợp với trau dồi từ vựng liên tục nữa, bạn sẽ thấy tự tin dần lên thôi.
- Học chủ động và bị động: Chủ động: nghe để hiểu và nói ra miệng, là khi mình đọc hiểu và viết ra, tức là mình làm một cách có ý thức. Còn thụ động là cách cứ nghe vô thức không cần hiểu, hoặc dán những stick note từ vựng lên khắp nhà để mình cứ vô tình nhìn thấy nó, hoặc là đọc lướt những mẩu thông tin, truyện bằng tiếng Anh nhưng không nhất thiết phải hiểu hết tất cả, chỉ là để bộ não quen dần với tiếng Anh. Bạn cần kết hợp cả học chủ động và học bị động nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét